Giúp đỡ chính mình bằng cách đối diện với sự thật về bản thân

Bạn đau lòng vì một chuyện (bạn cho là) chẳng ra gì. Sau đó bạn nhắc đi nhắc lại với chính mình rằng việc ấy chẳng ra gì, bạn sẽ không đau lòng vì nó. Sự kiêu hãnh làm khuất đi vết thương đang rỉ máu bên trong. Dù bạn có thừa nhận hay không, đau lòng vẫn diễn ra và máu vẫn tiếp tục chảy. Đằng sau hành động liên tục thuyết phục bản thân là nỗi sợ phải nhìn thấy bộ mặt thật của chính mình.

Thừa nhận mình đau lòng đồng nghĩa với việc thừa nhận sức bền và trình độ của mình kém cỏi. Bạn chỉ muốn nhìn thấy ảo tưởng của bạn về chính mình mà không dám đối diện với sự thật về bản thân. Nhưng chỉ khi bạn nhìn thấy chính mình, sự giúp đỡ mới bắt đầu hoạt động. Nếu không nhìn thấy chính mình, bạn sẽ chẳng bao giờ có giải pháp. Tất cả các giải pháp đều sẽ sai khi xác định nguyên nhân ban đầu không đúng.

Kém cỏi thì sao nếu đó là sự thật. Càng khẳng định và bám chặt vào những hào nhoáng đặt lên bản thân, bạn sẽ càng sợ hãi khi phải đối diện với góc tối bên trong chính mình. Người mà bạn cần soi sáng không ai khác đó là bạn. Ngay lúc bạn dám thừa nhận mình đã rất đau lòng khi chuyện đó xảy ra, từ trước đến nay cứ chuyện đó đến là lại suy sụp không trượt phát nào, mọi nặng nề sẽ lập tức tan biến. Bạn không sinh ra để giỏi giang cho nên bạn không cần phải khẳng định điều chi cả. Kẻ mạnh không phải là người không bao giờ kém cỏi, kẻ mạnh là kẻ không lẩn trốn khỏi kém cỏi của chính mình.

– Chia sẻ từ chị Thanh Trúc –